NEWS

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, với quy định hiện nay, doanh nghiệp không muốn tham gia, công nghiệp môi trường chết yểu. Cần có chính sách buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời bỏ bớt gánh nặng bao cấp cho ngân sách.

Thu gom rác tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Công tác bảo vệ môi trường có hai vấn đề lớn nhất là giảm thiểu, xử lý chất thải và phục hồi môi trường. Cả hai vấn đề này đều rất tốn kém, nhất là phục hồi môi trường. Như 8,7 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà mất hơn 8.000 tỷ đồng cho khôi phục và kéo dài nhiều năm. Xây một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị cũng tốn hàng nghìn tỷ đồng.

Ở Việt Nam chất thải rắn sinh hoạt và nước thải sinh hoạt, vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách hạn hẹp của Nhà nước. Năm vừa rồi Nhà nước dành cho sự nghiệp môi trường khoảng 14 nghìn tỷ đồng, 85% trong số này cho các địa phương. Số tiền này không nhiều.

Ở nhiều địa phương, 80% số tiền này chỉ dùng vận chuyển, xử lý rác thải, không còn kinh phí cho các vấn đề môi trường khác. Ở thành phố hiện mới thu gom được khoảng 85% rác thải sinh hoạt. Ở nông thôn thu gom được 40-50% rác thải. Ấy mới là thu gom. Xử lý rác thải đa phần vẫn là chôn lấp, rẻ nhất nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm khác. Trong khi nước thải, khí thải hay vấn đề phục hồi ô nhiễm môi trường còn rất ít kinh phí.

Phục hồi một dòng sông như Tô Lịch chẳng hạn, có thể mất đến nửa tỷ USD. Tuy nhiên, càng để lâu sẽ càng tốn kém hơn. Việc bảo vệ môi trường chỉ dựa vào ngân sách là điều vô lý.

Ông có thể nói rõ hơn về sự vô lý này?

Ở các nước, người gây ô nhiễm phải trả tiền và người dân nộp phí bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm đối với những loại rác mình thải ra để thu gom, xử lý. Như ở Myanmar, một quốc gia được đánh giá kém phát triển hơn Việt Nam họ cũng làm thế. Ở Hàn Quốc, người dân phải mua túi đựng rác. Chi phí sản xuất túi đựng rác có khi chỉ một đồng nhưng người dân phải mua với giá 100 đồng. Tiền mua túi đã bao gồm cả chi phí thu gom, xử lý rác thải. Ở Nhật Bản, nhiều nơi tại thùng rác có sẵn hệ thống cân, người dân xả bao nhiêu rác sẽ phải trả số tiền tương ứng.

Ở Việt Nam, dù đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay, người dân đóng góp ít, mang tính tượng trưng. Nhiều nơi, có công trình xử lý nước thải nhưng không có tiền vận hành nên chạy được vài hôm lại rơi vào tình trạng đắp chiếu. Chừng nào còn để bao cấp thì Việt Nam không thể có đủ kinh phí cho bảo vệ môi trường.

Hệ lụy tất yếu là sinh ra cơ chế xin cho, tạo nhiều quyền lợi, nhóm lợi ích. Không thể tạo ra được thị trường cạnh tranh để các doanh nghiệp nhảy vào khai thác. Người dân được bao cấp nên không có ý thức trong sử dụng, xả thải. Việc phân loại rác tại nguồn cũng không thể thực hiện được.



Phải chăng thu nhập của người dân còn khó khăn nên thiếu nguồn lực đầu tư cho môi trường, thưa ông?

Nhiều người nói dân nghèo, lương ít, thu nhập ít mà cái gì cũng phải đóng tiền thì gay quá. Tôi nghĩ việc đóng tiền mà để môi trường tốt lên, được hít thở không khí sạch hơn, uống nước sạch hơn thì người dân chắc chắn đồng tình. Vấn đề phải để cho người dân thấy tiền họ đóng được sử dụng đúng mục đích, không có chuyện đóng cho việc này lại dùng vào việc kia, đóng tiền mà rác vẫn đầy đường, nước vẫn đen ngòm, khí thải mù mịt thì người dân không đồng tình. Để làm được việc này phải cần minh bạch. Người dân phải hiểu rõ đồng tiền họ đóng dùng vào mục đích gì.

Để việc này được thực hiện cần một lộ trình dài hơi. Cần tách bạch với các chính sách an sinh xã hội, nơi nào khó khăn có thể có chính sách hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, nguyên tắc thông suốt vẫn phải là người gây ô nhiễm phải trả tiền.
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền Rating: 5 Reviewed By: dotatloi